Quy định hỗ trợ phát triển công trình xanh: Có nhưng chưa đủ
Việc tạo lập xu hướng phát triển dự án theo tiêu chuẩn xanh là cả một quá trình, không thể một sớm một chiều. Để phát triển các dự án xanh bền vững, bên cạnh nỗ lực của chủ đầu tư thì còn cần rất nhiều sự hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước…
Theo khái niệm phổ biến, công trình xanh là công trình xây dựng mà trong cả vòng đời của nó từ giai đoạn lựa chọn địa điểm xây dựng, thiết kế, thi công, giai đoạn sử dụng, vận hành cho đến sửa chữa, nâng cấp, tái sử dụng đều đạt được hiệu quả cao trong sử dụng năng lượng, tài nguyên nước, vật liệu, sản sinh ra chất thải ô nhiễm môi trường ít nhất và tạo điều kiện sống tốt nhất cho người sử dụng.
Cụm công trình FPT (TP Đà Nẵng) là dự án đáp ứng tiêu chuẩn công trình xanh của EDGE.
Ông Autif Sayyed, chuyên gia công trình xanh của Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) khu vực Đông Á – Thái Bình Dương cho biết: Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế châu Á có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 20 năm qua (bình quân 7,5%). Trong vòng 10 năm qua, tăng trưởng xây dựng bình quân đạt 12%, mức năng lượng tiêu thụ đã tăng 14% - nhanh hơn tốc độ tăng GDP.
Lý do khiến năng lượng tiêu thụ của công trình tăng là do giá nhiên liệu tăng, nhu cầu tiện nghi tăng và tốc độ đô thị hóa nhanh. Trước tình hình này, việc khuyến khích chủ đầu tư bất động sản áp dụng các tiêu chuẩn “xanh” cho dự án là cần thiết.
Tại Việt Nam, các hệ thống đánh giá tiêu chuẩn xanh đang được áp dụng gồm Edge, Lotus, Green Mark, LEED… và đã có nhiều dự án đáp ứng tiêu chuẩn công trình xanh như chung cư Ehome 5 đạt tiêu chuẩn Edge. Dự án này giảm được 31% chi phí năng lượng, giảm 22% chi phí nước và giảm tới 34% vật liệu sử dụng so với một công trình bình thường.
Hay như công trình tòa nhà văn phòng FPT Đà Nẵng có chiều cao 6 tầng, có hệ thống nước nóng năng lượng mặt trời dung tích 1.500l và máy phát Thái Dương công suất 12kWh/ngày. Thời gian hoàn vốn đầu tư vào các công nghệ tiết kiệm năng lượng của công trình là dưới 3 năm nhờ vào tiết kiệm chi phí điện nước…
Quy định đã có nhưng vấn đề đặt ra là làm sao để nhân rộng những công trình như trên và nâng cao nhận thức của cộng đồng về các dự án xanh thì dường như vẫn chưa có hướng dẫn thực hiện đầy đủ.
Theo đại diện Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam, trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều công trình đạt tiêu chuẩn xanh tại Việt Nam. Tuy vậy, vẫn còn thiếu các thông điệp rõ ràng, thông tin cụ thể về phát triển các dự án xanh tại Việt Nam khi nhiều doanh nghiệp vẫn nhầm lẫn về những bộ chứng chỉ đánh giá tiêu chuẩn xanh. Vì vậy, việc làm đầu tiên là chúng ta phải tích cực đẩy mạnh việc tuyên truyền…
“Chính phủ đã có nhiều cơ chế cho phát triển công nghệ tiết kiệm năng lượng như Nghị định 102/2003/NĐ/CP về việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Quyết định 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia tăng trưởng xanh.
Tuy nhiên, cho đến nay, quy trình triển khai các văn bản trên vẫn khá chậm, chưa có hướng dẫn cụ thể, địa phương còn lúng túng, cộng đồng vẫn chưa quan tâm” - TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng cho biết.
Theo các chuyên gia ngành kiến trúc, xu hướng thiết kế và xây dựng nhà ở trong tương lai là yếu tố “xanh” hay còn gọi là nhà xanh. Đây là nhu cầu xây dựng tất yếu khi xã hội ngày càng phát triển văn minh, hiện đại.
Tất nhiên, để thực hiện được xu hướng trên cần có nhiều cơ chế chính sách của Nhà nước nhằm khuyến khích các nhà đầu tư tham gia xây dựng những ngôi nhà mang tiêu chí tiết kiệm năng lượng, thông qua việc đưa ra những quy định nhất quán, rõ ràng cho công trình xanh và có lộ trình khả thi để thực hiện những quy định đề ra, đồng thời tạo điều kiện, có ưu đãi với nhà sản xuất, nhà cung cấp vật liệu, trang thiết bị, nhà thầu với các dự án dạng này, để các chủ đầu tư quyết tâm thực hiện đến cùng mục tiêu xây dựng công trình xanh của mình…
(Báo Xây dựng)